Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Giá xăng bị giảm 1.140 đồng


Tất cả các mặt hàng xăng, dầu đều giảm giá từ 11h trưa nay với mức dao động từ 450 đồng đến 1.140 đồng mỗi lít.


xang-1-3814-1416632226.jpg
Giá xăng giảm tổng cộng 5.390 đồng từ đầu năm. Ảnh: Huyền Thư
Theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), từ 11h trưa 22/11, giá xăng RON 95 và RON 92 lần lượt còn 20.850 đồng và 20.250 đồng một lít, cùng giảm 1.140 đồng mỗi lít. Xăng sinh học E5 cũng giảm 1.140 đồng, về ngang mức xăng RON 92. 
Ở các khu vực xa cảng biển, trung tâm, giá xăng dầu giảm nhiều hơn. Riêng xăng các loại giảm 1.160 đồng một lít.
Bảng giá xăng dầu ngày 22/11 theo công bố của Petrolimex
gia-xang-s-1275-1416629443.jpg
Lần gần nhất giá xăng dầu giảm là vào 7/11, các mặt hàng đồng loạt giảm từ 360 đồng đến 950 đồng một lít. Như vậy, sau 10 lần điều chỉnh, giá xăng đã giảm tổng cộng 5.390 đồng một lít.
Quyết định điều chỉnh của doanh nghiệp được đưa ra sau chỉ đạo điều hành của Liên bộ Công Thương - Tài chính. Theo đó trong giai đoạn từ 7-21/11, giá cơ sở các mặt hàng tiếp tục đi xuống, chênh lệch 459-1.141 đồng một lít so với giá bán. Do đó, cùng với việc điều chỉnh giảm giá, cơ quan điều hành tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp trích quỹ bình ổn 600 đồng cho một lít, kg cho tất cả các mặt hàng, và chưa được sử dụng quỹ.

Thuế thu nhập từ nông nghiệp dự kiến là giảm còn 15%

Theo đề xuất mới của Bộ Tài chính, lĩnh vực điện tử, tin học cũng được bổ sung vào nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.


Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng về việc tiếp thu ý kiến Quốc hội cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, cơ quan này đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gồm nghiên cứu phát triển giống, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Trước đó, trong dự thảo Luật được trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra mức đề xuất thuế đối với lĩnh vực này là 20%. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến tại Quốc hội đã đề nghị mức ưu đãi cao hơn với lĩnh vực này. 
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển. Trước đây, quy định chỉ có 5 ngành là dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Để được hưởng ưu đãi, Bộ Tài chính đề xuất trong Luật phải thể hiện rõ tiêu chí là trong nước chưa sản xuất được, hoặc trong nước sản xuất được những chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu.
Về xử lý đối với việc chậm nộp thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng thống nhất một mức tính. Cụ thể, cơ quan này đề xuất bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% một ngày đối với nợ quá hạn trên 90 ngày. Người nộp thuế chậm nộp thuế sẽ bị phạt 0,05% một ngày tính trên số tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ không bị phạt chậm nộp tiền thuế chậm nộp nếu chưa được nhà nước chi trả. Tuy nhiên, số tiền nợ thuế không bị phạt chậm nộp không vượt quá số tiền ngân sách chưa thanh toán

Vàng trang sức có thể chịu thuế xuất khẩu là 2%

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế xuất khẩu hiện nay là 0%. 


Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng.
Theo đề xuất các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc một số nhóm dự kiến sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là từ 0 -2%. Trong đó mức thuế suất 2% áp dụng cho các sản phẩm có hàm lượng vàng trên 95% trở lên. Để hưởng thuế suất 0%, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng về hàm lượng vàng dưới 95%.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo này, gần đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã gửi công văn lên Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế xuất khẩu hiện tại (0%) thêm một thời gian nữa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 95%. 
Theo VGTA, 2 năm trở lại đây thị trường vàng rất ảm đạm. Việc buôn bán rất chậm chạp, trong khi đó giá vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới (hiện là hơn 5 triệu đồng một lượng). Các doanh nghiệp trong nước muốn có nguyên liệu thì phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, nhập khẩu cũng bị siết lại, vay vốn tín dụng ngân hàng không được… Cũng theo Hiệp hội, trong tương lai chúng ta sẽ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng phân tích, lợi thế duy nhất Việt Nam có được là tay nghề thợ thủ công mỹ nghệ ngành này cao và nguồn lao động rẻ. Vì thế khi ký kết TPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nhận được nhiều đơn hàng sản xuất, gia công trang sức cho các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng nữ trang vẫn là bằng 0%. Nếu nâng thuế xuất khẩu với mặt hàng nữ trang lên 2% thì các doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh với nước bạn.

Nhà đầu tư ngoại bỏ cuộc bởi vì thủ tục nhiêu khê

Một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng cho rằng những quy định mới về lương tối thiểu, lương ngoài giờ… đã khiến nhân công rẻ không còn là một trong những yếu tố hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. 


Được đánh giá là thành phố có nhiều chính sách cởi mở và luôn nỗ lực chủ động gỡ rối cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tại buổi đối thoại thường niên giữa cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và các công ty tư vấn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của TP HCM vẫn không thiếu những lời chê trách.
Theo phản ánh của đại diện Công ty Nagashima Ohno & Tsunematsu Việt Nam, các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam phàn nàn rất nhiều về vấn đề lao động, thuế, hải quan. Những quy định mới về lương tối thiểu, lương ngoài giờ… đã khiến nhân công rẻ không còn là một trong những yếu tố hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Trong khi đó, việc tận thu thuế và vấn nạn nhũng nhiễu của các công chức nhà nước đã được các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài góp ý rất nhiều lần.
Lãnh đạo UBND TP HCM đã yêu cầu đại diện doanh nghiệp trên tiết lộ những vụ nhũng nhiễu cụ thể, nhưng đại diện công ty Nhật từ chối.
“Dù lãnh đạo thành phố cam kết bảo vệ doanh nghiệp, nhưng thực tế, các cơ quan cấp phép ở Việt Nam có rất nhiều quyền lực. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn sợ bị trả đũa bằng nhiều cách khác nhau. Và để tự bảo vệ mình, họ đã chọn cách im lặng”, đại diện Công ty Nagashima Ohno & Tsunematsu Việt Nam nói và đề nghị, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư và đưa ra giải pháp rõ ràng đối với những vấn nạn này.
cap-phep-dau-tu-7093-1416713831.jpg
Thủ tục cấp phép đầu tư vẫn là rào cản với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. ảnh: đầu tư chứng khoán
Chia sẻ về các cản trở liên quan đến thủ tục hành chính, đại diện công ty này cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư Nhật đã phải bỏ cuộc vì thủ tục nhiêu khê. Chẳng hạn như việc nộp giấy chứng nhận khám sức khỏe cho người lao động nước ngoài khi xin giấy phép làm việc tại Việt Nam. Nhân viên Nhật đều có giấy khám sức khỏe tại các cơ quan y tế của Nhật Bản, nhưng cơ quan chức năng Việt Nam lại không chấp nhận giấy khám sức khỏe này. Mặc dù hai quốc gia đã ký kết thỏa thuận và trong đó có nội dung các giấy phép sức khỏe được cấp hợp pháp ở Nhật thì đương nhiên được chấp nhận ở Việt Nam.
“Các công ty Nhật Bản dự định đầu tư vào Việt Nam thường tham khảo những đơn vị đã đầu tư vào đây. Do đó, bất kỳ sự bất mãn nào của các công ty đi trước đều có tác động xấu đến những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào đây”, đại diện Nagashima Ohno & Tsunematsu Việt Nam thẳng thắn phát biểu. 
Ông Châu Huy Quang, luật sư điều hành Rajah & Tann TCT Lawyers cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết mở cửa lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, tháng 7 năm 2014, TP HCM lại có văn bản ngưng cấp phép cho một số dịch vụ trong lĩnh vực này, trong khi cùng thời gian đó, doanh nghiệp lại được cấp phép dự án logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Một hồ sơ xin cấp phép khác trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo của chúng tôi cũng đang bị cơ quan chức năng yêu cầu giải trình. Phía Việt Nam chỉ có 3 - 4% cổ phần thì có quyền quản trị hay không? Tại sao cơ quan cấp phép phải quan tâm vấn đề này vì đây là vấn đề của các nhà đầu tư”, ông Quang nói và so sánh môi trường đầu tư TP HCM với Đà Nẵng.
Theo ông Quang, tại Đà Nẵng, các luật sư giải quyết vấn đề xin giấy phép cho doanh nghiệp thường không có việc làm, vì việc việc làm này được tiến hành rất nhanh chóng, chỉ mất vài ngày. Trong khi đó, họ lại tăng chế độ hậu kiểm và phạt tiền nếu doanh nghiệp vi phạm. 
Tại cuộc đối thoại, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thừa nhận, dù có nhiều nỗ lực, nhưng việc cấp giấy phép và giải quyết các vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư của địa phương vẫn còn bị kéo dài do nhân lực còn thiếu và yếu. Một số trường hợp có liên quan đến nhiều bộ ngành nên cũng phải xin ý kiến… Sở sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để giải quyết triệt để vấn đề này.
Đối với việc cấp phép dịch vụ logistics, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, theo quy định, có những dự án phải có phần góp vốn của phía Việt Nam mới được cấp phép. TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng để xin ý kiến về vấn đề này.

Tôm Việt Nam có thể được 'giải oan' ở Mỹ

Nếu được thuế suất 0% trong 3 kỳ xem xét hành chính hàng năm liên tiếp, tôm Việt Nam sẽ có cơ hội rút ra khỏi “cuộc chiến” chống bán phá giá khi xuất khẩu vào Mỹ.


Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa công bố phán quyết liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, trong số 11 nội dung khiếu nại của Việt Nam, Ban hội thẩm của WTO đã đưa ra phán quyết với 7 nội dung theo hướng có lợi cho Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Đặc biệt, theo ban hội thẩm, sử dụng phương pháp quy về 0 (phương pháp zeroing) trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO, do đó, Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này.
Vụ việc bắt đầu từ năm 2012, căn cứ vào Hiệp định Thuế quan và thương mại (GATT 1994) trước đây và các điều khoản về chống bán phá giá của WTO hiện nay,Việt Nam nhận thấy việc Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhằm vào tôm đông lạnh của Việt Nam là không phù hợp, đã khiếu nại tới WTO.
Sau 2 năm nghiên cứu, ban hội thẩm của WTO đã kết luận, một số biện pháp của Mỹ không những đã vi phạm GATT 1994 mà còn trái với quy định của WTO về chống bán phá giá.
Theo phân tích của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trong kỳ xem xét hành chính (POR) lần thứ 2 và 3, doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0%. Với phán quyết mới của WTO, Mỹ sẽ phải tính lại mức thuế trong lần rà soát POR thứ 4. “Nếu không áp dụng phương pháp zeroing, chắc chắn tôm Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng thuế suất 0%”, ông Hòe khẳng định.
Như vậy, với 3 kỳ liên tiếp được hưởng thuế suất 0%, Việt Nam có đủ cơ sở chứng minh không bán phá giá tôm và yêu cầu Mỹ phải xem xét lại kết quả của cuộc rà soát năm 2010. Đây sẽ là luận điểm để Mỹ đưa ra tuyên bố Việt Nam không bán phá giá. Lúc đó, Việt Nam mới chấm dứt vụ kiện.
Về các bước đi tiếp theo, ông Hòe cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục kháng cáo tới Ban phúc thẩm của WTO nhằm có được phán quyết đầy đủ hơn. Bởi lẽ, WTO mới thông qua 7/11 nội dung khiếu nại của Việt Nam.
Mặt khác, theo nhận định của ông Hòe, khả năng cao Mỹcũng sẽ kháng cáo. Bởi vậy,Việt Nam kháng cáo là việc hết sức cần thiết để tiếp tục đạt được những phán quyết có lợi cho ngành thủy sản trong nước. “Từ đó có thể giúp Việt Nam tham gia vào các hoạt động pháp lý thuận lợi và có kết quả tốt nhất trong quá trình rút ra khỏi vụ kiện”, ông Hòe chia sẻ. 

Có nên vay 500 triệu để kinh doanh về khu vui chơi trẻ em

Tôi đang là kế toán một công ty xuất nhập khẩu, sau 4 năm làm việc tôi tích lũy được trên 200 triệu đồng và muốn vay thêm tiền ngân hàng để kinh doanh khu vui chơi trẻ em nhưng hiện rất băn khoăn (Thúy Hạnh, TP HCM).


Công việc hằng ngày của tôi cũng không quá bận rộn, nếu gấp gáp cũng chỉ vài ngày chốt sổ cuối tháng nên có nhiều thời gian rảnh. Để kiếm thêm thu nhập, tôi có ý định đầu tư khu vui chơi. Giờ lãi suất cho vay cũng không quá cao nên tôi định vay thêm 500 triệu để đầu tư.
Tuy nhiên, kinh tế hiện nay vẫn chưa mấy cải thiện, theo độc giả tôi có nên vay không? Kinh doanh loại hình này có những thuận lợi và khó khăn gì? Tôi có thể kinh doanh ở quy mô bao nhiêu m2, tỷ suất lợi nhuận của mô hình này như thế nào? Rất mong sự chia sẻ và tư vấn kinh nghiệm từ độc giả

.

Thu nhập cao nhờ vào kết hợp trồng rừng, nuôi bò


Từ cuộc sống cực khổ, phải lo bữa ăn từng ngày, nhưng nhờ cách làm ăn mới, anh Hoàng Văn Tánh ở thôn Trung Long (Quảng Trị) đã thoát nghèo và có 'của ăn của để.


Là con thứ 3 trong gia đình nghèo có 6 anh em, học hết lớp 7 anh Tánh đi làm thợ xây kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 1993 lập gia đình, theo tiếng gọi của chính quyền, anh rời quê hương xã Triệu Trung lên vùng kinh tế mới ở thôn Trung Long (Quảng Trị) lập nghiệp.
Mang quyết tâm đổi đời lên quê hương mới, vợ chồng trẻ dựng tạm căn lều nhỏ, ngày đêm chịu khó khai hoang đất đồi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. “Ngày đó vùng này hoang vu lắm, có đêm nằm ngủ trong lều, thú dữ cứ gầm rú bên ngoài sợ đến kinh hoàng. Bữa ăn thì chỉ toàn rau rừng, lâu lâu đi chặt bó củi về miền xuôi bán mới mua được miếng thịt cải thiện”, anh Tánh nhớ lại tháng ngày cơ cực.
Chính vì những khó khăn buổi ban đầu như thế mà trong hàng trăm người lên vùng Trung Long lập nghiệp, chỉ còn trụ được vài người, trong đó có gia đình anh Tánh. Với lòng quyết tâm làm giàu, anh Tánh đã vượt qua mọi khó khăn để khai hoang và trồng 20ha tràm, trung bình 5-6 năm thu hoạch một lần, bình quân cho anh trên 150 triệu đồng mỗi năm.
nuoi-bo-1573-1416706018.jpg
Mỗi năm anh Thắng thu được khoảng 170 triệu đồng từ đàn bò. Ảnh: DV.
Cùng với khai hoang trồng rừng, năm 1996, anh Tánh mua thêm một cặp bò nuôi gây đàn và bán dần. Từ năm 2008 đến nay, đàn bò của gia đình anh Tánh duy trì 30 con, có 15 con bò cái sinh sản giúp anh tự cung cấp giống. Bò giống nuôi một năm có thể xuất bán với giá 12-18 triệu đồng một con. Mỗi năm anh bán 15 con bò giống và bò thịt, lợi nhuận bình quân được khoảng 170 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tánh còn giúp đỡ người dân địa phương về nguồn vốn, kỹ thuật trồng rừng, nuôi bò để cùng phát triển làm giàu.

Đôla Mỹ được làm ra thế nào

Để làm một tờ USD, người ta phải dành ra hàng trăm giờ lao động, từ công đoạn tạo giấy in, cho tới in, phân tích, cắt, đóng gói và vận chuyển tới ngân hàng.


Theo tiêu chuẩn của Bộ Tài chính Mỹ, mỗi tờ tiền phải là một sản phẩm hoàn hảo. Và Cục in ấn Mỹ, đơn vị chịu tránh nhiệm in tiền, phải đáp ứng tất cả các thông số theo yêu cầu. Sau đây là các công đoạn in tiền của Cục In ấn, tại nhà máy ở Washington, Mỹ.
 
Giấy in tiền là loại giấy đặc biệt khổ lớn, làm từ 75% cotton và 25% vải lanh nhằm tạo độ bền. Các tờ có mệnh giá trên 1 USD sẽ được dệt lẫn các sợi màu xanh và đỏ để chống làm giả.
 
Hình ảnh trên đồng đôla sẽ được khắc lên các tấm thép khổng lồ. Toàn bộ quá trình sản xuất tiền nằm dưới sự giám sát của Cục In ấn, với cơ sở in đặt tại Washington và Fort Worth (Texas).
 
Sau đó, các tấm thép mềm này sẽ được uốn cong nhẹ và cho lên trục in. Rồi mực được đổ vào và lau đi, chỉ còn giữ lại tại phần đã được khắc. Mỗi ngày, khoảng 3 tấn mực đặc biệt được dùng để in tiền.
 
Tiếp theo, những tấm giấy đặc biệt sẽ được cuộn thành khối tròn lớn và đưa vào trong máy in. Những chiếc máy này có thể in khoảng 8.000 tấm giấy mỗi giờ.
 
Các tấm giấy này trải qua vài công đoạn in, với các loại mực và chu trình khác nhau. Nhiều công đoạn trong số này được tự động hóa.
 
Các tờ tiền được kiểm tra lỗi bằng tay. Những tấm lỗi sẽ bị hủy bỏ.
 
Chúng cũng được quét bằng máy tính để kiểm tra độ đồng nhất. Tờ 1 USD được kiểm tra bằng một loại máy có tên Nota-Sav. Những đồng có mệnh giá lớn hơn được kiểm tra bằng một chương trình khác, vì chúng có nhiều đặc tính bảo mật cao hơn.
 
Những tấm vượt qua các vòng kiểm tra được xếp thành khối 100 tấm để cắt và tách riêng từng tờ.
 
Trong một công đoạn khác, USD được xếp riêng thành tập 100 tờ và bó bởi băng giấy ghi rõ mệnh giá. Cứ 10 tập được xếp thành một bó và 4 bó thành một khối. Mỗi khối trị giá 4.000 USD.
 
Các khối này được dán mã vạch và sau đó đóng gói để vận chuyển đi khắp nước Mỹ. Riêng trong năm 2013, khoảng 1,79 tỷ USD mệnh giá một USD đã được in mới.
 

Tổng giám đốc 2 nhà máy vàng nợ thuế tiếp tục kêu khó khăn

Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, Tổng giám đốc Tập đoàn Besra Việt Nam - Paul Seton cho biết đã đề xuất 2 phương án trả nợ với cơ quan thuế.

Lãnh đạo Besra Việt Nam cho biết tuy đã hoạt động trở lại nhưng nhà máy vàng Bồng Miêu mới phục hồi được 20% sản xuất. Việc xuất khẩu cũng đang bị đình trệ. 

 Trước đó, hồi cuối tháng 7, Besra phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay tại mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn sau khi bị Cục Thuế Quảng Nam phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa đơn do nợ thuế. Hơn 2 tháng sau đó, ngày 30/9, Tập đoàn khôi phục lại sản xuất tại mỏ vàng Bồng Miêu trong thời gian chờ giải quyết các vấn đề nợ thuế. 

Bersa.jpg
Ông Paul Seton - Tổng giám đốc Besra Việt Nam thừa nhận công ty đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử đầu tư 20 năm tại Việt Nam. 
- Những rắc rồi đối với Besra thời gian qua chủ yếu do nợ thuế. Lý do dẫn đến tình cảnh này là gì thưa ông?
Tình trạng chậm nộp thuế của Besra là điều rất rõ ràng và công ty lúc nào cũng thừa nhận nó. Tuy nhiên, sự việc này mới bắt đầu xảy ra từ năm 2013. Trước đó, Tập đoàn là một trong những đơn vị có số thuế nộp lớn thứ 2 cho tỉnh Quảng Nam. 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh khó khăn hiện nay, trong đó 3 yếu tố chủ yếu là chi phí tăng lên, trong khi hàm lượng của mỏ quặng và giá vàng đồng loạt giảm. Có 2 trong 3 yếu tố này không thuộc tầm kiểm soát của chúng tôi. 
Cụ thể, biểu đồ giá vàng ngày 10/1/2012 vào khoảng 1.750 USD một ounce, còn 6/11/2014 là 1.140 USD, giảm khoảng 35%. Trong khi đó, chi phí trung bình để sản xuất của một ounce vàng ngày một tăng. Năm ngoái, đơn vị khai thác một mỏ vàng của Lào cũng phải đóng do chi phí sản xuất quá lớn. 
Hơn nữa, hàm lượng vàng tại Phước Sơn năm 2009 là 18,46g vàng trên một tấn quặng. Hàm lượng hiện tại là 3,43g trên một tấn. Con số đó cho thấy công ty phải khai thác 5,5 lần số quặng đã khai thác năm 2009 để có được cùng sản lượng, đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên tương ứng. 
Ngoài ra cơn bão bão lũ năm năm 2013 ảnh hưởng rất nhiều đến Besra. Chúng tôi có hợp đồng bảo hiểm toàn bộ với trường hợp này nhưng đến nay đã hơn một năm nhưng vẫn chưa nhận được khoản bồi thường, vào khoảng 4 triệu USD. Bên cạnh đó, một số chính sách thuế liên tục thay đổi cũng khiến Besra Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 20 năm qua. 
- Ông có thể nói rõ hơn về khó khăn từ chính sách thuế hay không?
- Hiện nay hoạt động của Besra phải đóng hơn 18 loại phí, thuế khác nhau. Mặt khác, một số loại thuế suất khá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, như thuế thu nhập doanh nghiệp của Phước Sơn là 40% lợi nhuận. 
Với thuế tài nguyên đối với nhà máy vàng Bồng Miêu thì cố định là 3%. Tuy nhiên, với Phước Sơn thì mức thuế này thay đổi theo luật. Cụ thể năm 2008, thuế tài nguyên là 6% tính trên doanh thu khấu từ các chi phí khác, đến năm 2009 mức thuế tăng lên 9%. Và đến 2010 là 15% tính thẳng lên giá trị tổng sản lượng. Đây là một mức tăng rất lớn trong thời gian ngắn và hoàn toàn không khả thi cho doanh nghiệp. 
Mỗi quốc gia có một chính sách thuế khác nhau, tôi không muốn so sánh. Tuy nhiên, nếu đưa vào cân nhắc yếu tố đầu tư thì một trong những điều quan trọng nhất là tính ổn định của chính sách. Nếu cứ chính sách liên tục thay đổi thì nhà đầu tư cũng không xoay sở kịp. 
- Hiện nay các khoản nợ của Bersa với cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội và nhà thầu là bao nhiêu thưa ông?
- Đến tháng 6, số nợ nhà thầu trong nước của chúng tôi vào khoảng 170 tỷ đồng. Nợ bảo hiểm xã hội hiện còn khoảng 6,5 tỷ đồng. Các khoản này đều đã giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Về nguyên tắc thì bất kỳ doanh nghiệp nào kể cả khi đang hoạt động tốt cũng có khoản nợ, chứ không riêng gì Besra. 
Số nợ thuế tính đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng 242 tỷ đồng, trong đó gần 80% là thuế tài nguyên. Trong các buổi làm việc với cơ quan hữu quan, chúng tôi đều thừa nhận điều này và đã có đề xuất các phương án để trả nợ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn đang phải chờ ý kiến của Thủ tướng. 
Besra-9584-1416560183.jpg
Nhà máy vàng Bồng Miêu hoạt động trở lại từ cuối tháng 9 nhưng mới phục hồi được khoảng 20% sản xuất. Ảnh: Tiến Hùng
- Tập đoàn đã đề xuất phương án trả nợ cụ thể ra sao thưa ông?
- Phương án thứ nhất là Besra được gian hạn nộp thuế không quá 2 năm, đồng thời không bị phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ trong thời gian gia hạn. Doanh nghiệp xin xóa và miễn toàn bộ số tiền phạt chậm trả đã phát sinh trong thời gian qua theo chủ trương hiện hành của Bộ Tài chính dành cho các doanh nghiệp đang đặc biệt khó khăn. Trong thời gian gia hạn, Bersa sẽ nộp đầy đủ số thuế được gia hạn và khoản phát sinh. 
Phương án 2 là Tập đoàn sẽ nộp dần số tiền thuế nợ theo tình hình thực tế của doanh nghiệp trong vòng 2 năm, không bị phạt chậm nộp. Doanh nghiệp cũng xin được xóa và miễn toàn bộ số tiền phạt chậm trả phát sinh trong thời gian qua. 
- Còn về kế hoạch trả nợ cho doanh nghiệp đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp ra sao?
- Đa số đối tác đều làm ăn lâu năm nên chúng tôi đã đạt được thỏa thuận kéo dài nợ đến 36 tháng. Họ sẵn sàng hỗ trợ Besra trong bối cảnh hiện tại. 
- Hiện hoạt động của doanh nghiệp hiện phục hồi đến đâu rồi, thưa ông?
- Trước khi đóng cửa thì Bồng Miêu có hơn 500 lao động nhưng hiện mới có khoảng 100 người quay lại làm việc. Phải mất khoảng 6 tháng mới phục hồi được mức như ban đầu vì hầm mỏ đang bị ngập. 
Ở Phước Sơn thì trước khi đóng cửa khoảng hơn 1.000 lao động nhưng hiện nay có khoảng 10 người làm công việc bảo trì. Chúng tôi rất muốn phục hồi sản xuất để có tiền trả các khoản nợ, đảm bảo chế độ cho người lao động nhưng vẫn chờ quyết định từ Chính phủ về việc gỡ bỏ cưỡng chế thuế. Ở góc nhìn kinh tế, nếu không hoạt động thì hoàn toàn không có doanh thu để trả nợ được.
- Sau khi hoạt động trở lại, điều gì là khó khăn nhất đối với doanh nghiệp? 
- Cái khó khăn nhất trong giai đoạn này là việc hồi phục sản xuất, giống như bệnh nhân mới ốm dậy phải mất thời gian sức khỏe mới dần tốt lên.
Ngày 4/11, Bồng Miêu đã cho ra thành phẩm trở lại nhưng chưa được xuất khẩu. Trong giấy phép đầu tư thì Bersa được quyền xuất khẩu sang nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi ngừng hoạt động đến nay chúng tôi đã xin giấy phép nhiều lần nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý.
- Nếu như các đề xuất trả nợ không được chấp nhận thì Tập đoàn có tính đến phương án khác như bán dự án hay làm thủ tục phá sản? 
- Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Và với những vấn đề liên quan đến nợ thuế, Bersa sẽ tích cực làm việc với cơ quan quản lý để đạt được một trong 2 phương án trả nợ nhằm ổn định sản xuất. 
Như tôi đã giải thích việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của chúng tôi thời gian qua là hàm lượng vàng giảm. Tuy nhiên, đặc thù của ngành khai thác là vỉa quặng có hàm lượng thấp hoàn toàn nằm trong biểu đồ đã được dự đoán. Nếu khai thác tích cực thì giai đoạn hàm lượng thấp qua sẽ nhanh hơn, phục hồi được sản xuất và việc trả nợ sẽ thuận lợi. 
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Cục thuế Quảng Nam phối hợp với hai công ty vàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn của doanh nghiệp phải được được xem xét dựa trên những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với khoản nợ thuế do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ thì có thể gia hạn, còn với các khoản nợ khác phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật để xem xét.

Tiểu thương, quản lý Chợ Đồng Xuân đối thoại bất thành

Công ty cổ phần Đồng Xuân lý giải chi phi tăng buộc họ phải điều chỉnh giá, song các hộ kinh doanh cho rằng con số quá cao và quyền lợi không tương xứng, nên không chấp thuận.


Không lâu sau sự kiện tiểu thương tại Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) tụ tập để phản đối đơn vị quản lý điều chỉnh giá thuê kiốt, cuối tuần qua, 2 bên đã có buổi đối thoại với mục tiêu giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, thái độ và cách diễn đạt tại buổi làm việc đều không cho thấy đơn vị quản lý và tiểu thương đều không có dấu hiệu nhượng bộ
Đại diện đơn vị quản lý, Phó chủ tịch, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân – Đỗ Xuân Thủy dẫn ra một loạt chi phí được đơn vị này lấy làm cơ sở tăng giá cho các hợp đồng thuê từ 1/1/2015 đến hết năm 2019. Cụ thể, theo thông báo của Cục Thuế Hà Nội, tiền thuê đất chợ tăng gần 250%. Trước đó, chi phí quản lý giai đoạn 2010-2014 tăng 14% một năm, chi phí dịch vụ mua ngoài như điện, nước, vệ sinh… tăng 10%, phí bảo dưỡng, sửa chữa 7%.. “Ngoài ra, công ty cũng phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống phòng, chữa cháy, trên 5 tỷ đồng để xây dựng 9 nhà vệ sinh”, vị này kể.
dt1-8579-1416712111.jpg
Sau buổi làm việc, nhiều tiểu thương vẫn nán lại nêu ý kiến, song không khí có phần ôn hòa hơn. Ảnh: Minh Minh
Với những con số nêu trên, ông Thủy cho rằng mức tăng giá thuê được công bố trước đó (17-22%) đã được Công ty Đồng Xuân tính toán, chia sẻ với tiểu thương. Chốt lại phần phát biểu, vị này còn tâm tư rằng đơn vị quản lý “rất suy nghĩ” về tiểu thương, song rất thất vọng khi bà con phản ứng bằng cách tụ tập, phản đối.
Đại diện các hộ kinh doanh, một tiểu thương tên Hằng cho biết không muốn gây khó dễ cho công ty. Tuy nhiên, sau mấy lần tìm gặp lãnh đạo bất thành, bà con mới phải tụ tập phản đối trước cổng chợ. Chị này cho rằng khi xây dựng chợ Đồng Xuân, bà con đều có đóng góp, coi đó là cổ phần trong chợ, song quyền lợi kèm là gì thì họ không biết.
“Mỗi lần ký hợp đồng mới, hợp đồng cũ bị thu lại. Cái mới thì quyền lợi của công ty nhiều lên, tiểu thương ít dần. Tôi đề nghị giữ nguyên hợp đồng như cũ”, chị Hằng đề xuất và nhận được hưởng ứng của nhiều hộ khác..
Chị Dung, một tiểu thương khác thì cho rằng giá thuê kiốt của mình tăng từ 71 triệu đồng lên 90 triệu đồng là quá cao. “Người cho tôi xem hợp đồng nói rằng giá thế là rẻ lắm. Tôi không hiểu phải kinh doanh cái gì để cho được số tiền rẻ ấy”, chị này cảm thán.
Cũng theo tiểu thương này, hợp đồng cũ được ký cách đây 5 năm. Khi đó, giá vàng là 48 triệu đồng một lượng, nay chỉ còn 33 triệu. Lãi suất ngân hàng cũng giảm, trong khi chỗ ngồi của bà con vẫn nguyên, chưa có cải tạo gì. “Tôi không hiểu vì sao giá thuê lại phải tăng?”, chị này đặt câu hỏi.
Giải đáp những ý kiến nêu trên, ông Đỗ Xuân Thủy cho rằng vấn đề tiểu thương góp vốn xây chợ đã được giải thích nhiều lần và tưởng đã kết thúc thắc mắc từ lâu. Cụ thể, khi góp vốn xây dựng chợ năm 1990, quy chế nêu rõ đây là tiền ứng trước của các hộ và người kinh doanh trong 5 năm. Kết thúc giai đoạn này, các hộ được tiếp tục thuê và kinh doanh tại chợ. “Chưa hết thời gian tiểu thương được miễn tiền thuê chỗ thì chợ bị cháy năm 1994. Do đó, từ năm 1996 đến 1999, các hộ đã được bù khoảng thời gian này. Tôi không hiểu các bác còn đòi hỏi thêm gì nữa?”, ông Thủy chất vấn ngược lại.
Với ý kiến của tiểu thương Dung, vị Tổng giám đốc cho rằng do kiốt của gia đình chị có vị trí đắc địa nên đương nhiên giá thuê phải cao hơn. “Cả chợ có trên 2.000 hộ kinh doanh thì chỉ có 49 kiốt có giá thuê cao như vậy”, ông này thông tin thêm.
Trong số thắc mắc của tiểu thương, đại diện Công ty Đồng Xuân chỉ duy nhất nhận trách nhiệm về phản ánh thiếu chỗ gửi xe, thu phí quá cao so với quy định. Theo đó, ông Thủy cho rằng công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân cũng được vị này lý giải do khách quan, chợ được xây dựng đã lâu nên thiết kế lạc hậu.
“Chợ có trên 2.000 hộ kinh doanh, mỗi hộ có 3, 4 người giúp việc, có hộ 10 người. Nếu tính mỗi người một xe máy thì lên đến mấy nghìn xe. Chợ dù có 3 tầng hầm cũng không chứa hết. Thành phố đã tạo điều kiện cho mượn 400m2 cách chợ chưa tới 300m nhưng cũng không hộ chịu nào ra đó gửi xe”, lãnh đạo Công ty cổ phần Đồng Xuân phản ánh lại.
Tuy nhiên, những giải đáp của ông Đỗ Xuân Thủy không làm các tiểu thương thỏa mãn, trong khi đại diện doanh nghiệp khẳng định đã tính “hết nước hết cái” về giá thuê, nên không có ý định nhượng bộ. Kết thúc buổi đối thoại, hàng chục tiểu thương tiếp tục vây quanh vị Tổng giám đốc để nêu quan điểm.

Airbus trình diễn máy bay mới A350 ở Hà Nội

Trước khi bàn giao sản phẩm đầu tiên cho Vietnam Airlines, nhà sản xuất Airbus đã đưa chiếc máy bay thế hệ mới nhất tới Nội Bài để biểu diễn.


Sản phẩm Airbus A350 XWB có mặt tại Hà Nội cuối tuần này là loại máy bay thế hệ mới nhất mà đại gia hàng không châu Âu sản xuất, được trang bị nhiều công nghệ chưa từng có ở các dòng phi cơ thương mại trước đây.
A-4-3393-1416718713.jpg
Chiếc máy bay A350 XWB mới nhất của hãng Airbus tại sân bay Nội Bài ngày 22/11. Vietnam Airlines sẽ là khách hàng thứ hai trên thế giới nhận chiếc máy bay này.
Ông Mark Bausor, Giám đốc Marketing của dự án Airbus A350 cho biết A350 là loại máy bay thân rộng có khả năng tiết kiệm 25% nhiên liệu so với các dòng tương đương, nhờ thân vỏ được làm từ vật liệu sợi carbon nhẹ và mỏng. Bên cạnh lợi ích kinh tế, điều này đồng nghĩa với việc khí thải xả ra môi trường sẽ ít hơn. Máy bay có khả năng chuyên chở 369 hành khách ở 2 hạng ghế, bay thẳng không dừng 14.800 km.
Ngoài ra, loại máy bay này còn được trang bị nhiều tiện ích như hệ thống đèn LED 16,7 triệu màu trong khoang. Thay vì màu đèn đơn điệu như thường thấy, chiếc máy bay này có thể thay đổi nhiều màu sắc khác nhau nhằm giúp giảm cảm giác mệt mỏi cho hành khách.
Không gian để hành lý trên máy bay được nới rộng hơn, đảm bảo khách ở bất cứ hạng ghế nào cũng có thể đem theo hơn một vali kéo. Ghế ngồi hạng phổ thông, thương gia đều rộng hơn các mẫu máy bay trước đó.
Trong quá trình sản xuất, Airbus đã tạo ra 5 chiếc máy bay thử nghiệm. Chiếc đến Việt Nam chiều 22/11 là máy bay thử nghiệm thứ 5. Sau quá trình bay thử, các máy bay này được Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng nhận chủng loại vào ngày 30/9 vừa rồi. Trong chuyến bay biểu diễn kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đi Đà Nẵng và ngược lại, các chuyên gia của Airbus vẫn tiếp tục ghi nhận thông số của máy bay, dựa trên hệ thống máy đo đạc được lắp đặt ở khoang giữa.
Cho đến nay, Airbus A350 XWB đã nhận được 750 đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới. Chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho Qatar Airways vào cuối năm nay. Vietnam Airlines là khách hàng thứ hai nhận máy bay vào đầu năm sau.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc của Vietnam Airlines cho biết hãng đặt mua 10 chiếc và thuê 4 chiếc. Chiếc chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng tại nhà máy ở Toulouse (Pháp). Hãng sẽ sử dụng những chiếc máy bay đầu tiên cho đường bay Hà Nội, TP HCM đi London, bắt đầu từ tháng 7/2015.

Hàng triệu lượt người tham gia Ngày Mua sắm trực tuyến

Ngày giảm giá, ưu đãi đồng loạt của các thương hiệu thương mại điện tử uy tín, diễn ra vào 5/12 tới, dự kiến thu hút hàng triệu lượt khách tham gia.


img-1327193009-10-2119-1416760658.jpg
Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam  (VECOM) - Nguyễn Thanh Hưng.
Lần đầu tiên Việt Nam có Ngày Mua sắm trực tuyến, do Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức. Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - ông Nguyễn Thanh Hưng vừa có cuộc trao đổi với VnExpress về sự kiện này.
- Công việc chuẩn bị cho sự kiện được coi là "Black Friday" của Việt Nam thế nào rồi thưa ông?
- Theo số liệu chúng tôi nắm được, hiện có trên 200 doanh nghiệp đăng ký và con số này đang tiếp tục tăng. Ban tổ chức dự báo có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Các đơn vị muốn bán hàng trong chương trình có thể đăng ký trực tiếp với Ban Tổ chức, hoặc với các sàn thương mại điện tử được ủy quyền. Sau khi nhận được đăng ký, Ban Tổ chức sẽ thẩm định nhằm bảo đảm khách hàng giao dịch được với các đơn vị tin cậy, giảm rủi ro khi mua hàng trực tuyến.
Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện này nên tương đối khó dự đoán sẽ có bao nhiêu khách hàng tham gia. Tuy nhiên Ban tổ chức hy vọng số người quan tâm tới chương trình sẽ lên tới hàng triệu.
ngay-mua-sam-5336-1415951634.jpg
Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên được tổ chức vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12.
- Người tiêu dùng sẽ được lợi gì khi tham gia Ngày Mua sắm trực tuyến?
- Mỗi doanh nghiệp tham gia Ngày Mua sắm trực tuyến có thể đưa ra các hình thức ưu đãi riêng, như miễn phí giao hàng, giảm giá hay tặng quà... Trong ngày đó, người bán hàng có thể tư vấn, cung cấp thông tin sản phẩm và chăm sóc khách hàng nhiệt tình hơn. Khi khách hàng vào website chính thức của Ngày mua sắm, họ sẽ có thông tin toàn diện về tất cả doanh nghiệp, sản phẩm tham gia chương trình và có thể mua sắm trực tiếp trên website của doanh nghiệp.
- Theo ông, sự kiện này sẽ tác động thế nào tới thị trường mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử ở Việt Nam?
- Theo khảo sát của Google mới công bố thì có tới 44% người sử dụng Internet ở Việt Nam chưa mua sắm trực tuyến muốn mua lần đầu trong 12 tháng tới. Do đó, việc tuyên truyền phổ biến về lợi ích của mua sắm online có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là việc khuyến khích những người chưa từng mua sắm trên mạng thử mua lần đầu tiên.
Mục tiêu cụ thể của Ngày mua sắm trực tuyến năm nay là khích lệ khách hàng tin tưởng việc mua sắm trực tuyến khá an toàn và tiện lợi thông qua trải nghiệm cụ thể. Ngoài ra, tâm lý chung của mọi người tiêu dùng là thích nhận được các ưu đãi nên chương trình có thể thu hút được đông đảo khách hàng.
- Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển ở mức nào và tiềm năng trong tương lai sẽ ra sao?
- Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2013, ước tính tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 36%. Tỷ lệ người truy cập Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 57%. Mỗi người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng tiêu 120 USD. Ước tính năm 2012, các doanh nghiệp thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2C (bán hàng cho khách) thu được 2,2 tỷ USD. Còn theo dự báo, trong năm sau, mỗi người mua hàng trên mạng sẽ chi khoảng 150 USD. Doanh thu các nhà thương mại điện tử B2C theo đó sẽ lên mức 3,7-4,3 tỷ USD.
Đây là những con số rất khả quan. Tuy nhiên, để dự báo này trở thành hiện thực, bên cạnh những nỗ lực để tạo ra sự thuận tiện và tin cậy trong mua sắm trực tuyến, cần tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi tâm lý muốn tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trước khi mua, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.
- Theo khảo sát của Google vừa công bố, 71% người mua hàng online hiện nay được thanh toán bằng tiền mặt, 55% người được phỏng vấn cho biết họ ưa dùng tiền mặt trong mua sắm trực tuyến. Theo ông, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh này?
- Khi các dịch vụ thanh toán hiện đại như Internet banking và Mobile banking đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam, người ta có thể dự đoán xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở nên tất yếu. Nhưng theo thông tin từ Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện, tỷ lệ mua sắm trực tuyến vẫn dùng tiền mặt còn rất cao trong vài năm tới.
Đây là thông điệp quan trọng đối với các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Rõ ràng là hai loại hình doanh nghiệp này phải liên kết chặt chẽ với nhau để cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao hàng và thu tiền khi giao hàng (COD) với chất lượng cao hơn hẳn so với hiện nay. Đây cũng là một trong những lý do Ngày mua sắm trực tuyến cần được tổ chức thường niên.

Từ người làm thuê tới ông chủ thương hiệu trà Dilmah

Mất nửa đời người nếm trải mọi cơ cực của một người làm thuê và nhiều lần thất bại ở buổi đầu khởi nghiệp, Merrill J. Fernando đã đưa Dilmah thành thương hiệu trà nổi tiếng chất lượng thế giới.

CEO Merrill J. Fernando bén duyên với trà từ năm 18 tuổi, nhưng mãi đến khi xấp xỉ 60, ông mới cho ra đời thương hiệu trà Dilmah, sau bao biến cố thăng trầm của cuộc đời.
Người đứng đầu Dilmah xuất thân từ một làng chài nhỏ ở Srilanka, nơi từng được coi là vùng thuộc địa của Anh, trồng và sản xuất loại trà thượng hạng nhất thế giới. Mặc dù Srilanka độc lập vào năm 1948 nhưng người ngoại quốc vẫn muốn nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp trà ở đất nước này. Nhiều người Srilanka gây sức ép nhằm phần nào lập lại sự bình đẳng ngay trên quê hương của họ. Kết quả, Merrill là một trong những người có mặt trong danh sách đào tạo để thành người nếm trà.
Polyad
Ông chủ thương hiệu trà Dilmah.
Thời gian theo học tại London, nơi được ví là "thánh địa Mecca" của thế giới trà khi đó giúp chàng thanh niên 18 tuổi có những kiến thức quý báu trong thẩm định chất lượng trà và sớm nhìn ra những bất công sâu sắc trong mối quan hệ thương mại với nước nắm trong tay công nghệ.
Chàng trai trẻ Fernando cay đắng nhận ra rằng, tại Srilanka, nơi hàng trăm nghìn công nhân phải mạo hiểm, đổ mồ hôi, công sức và cả máu trên những đồi chè thì đến cuối cùng, họ cũng chỉ thu về những lợi ích nhỏ nhoi từ việc bán nguyên liệu thô. Đất nước của anh đã bị phụ thuộc bởi những tập đoàn đa quốc gia, làm cho Sri Lanka trở nên vô danh trên bản đồ trà thế giới.
Trong khi đó, những thương lái trung gian, những người có ít hoặc không có sự tham gia nào vào việc sản xuất trà, gặt hái phần lớn lợi nhuận bằng cách kiểm soát các khía cạnh thị trường của ngành công nghiệp.
Merrill nhận ra điều sống còn trong xây dựng thương hiệu và giá trị gia tăng phải xuất phát từ đất nước mà ngành công nghiệp đó tồn tại. Từ đó, Fernando nuôi quyết tâm phải xây dựng một thương hiệu trà cho đất nước của mình, không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn vì muốn bảo vệ lợi ích cho những người trồng trà nghèo khổ của Srilanka.
Anh nhận ra rằng, xây dựng một doanh nghiệp độc lập giúp bản thân tự do hơn để mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình. Ngược lại, những người bất đồng chính kiến ​​với anh ra sức bảo vệ công ăn việc làm sinh lời của mình bằng cách đứng ra nhận thầu làm nhân công giá rẻ cho các ông chủ nước ngoài.
Do đó, dù có tầm nhìn sâu rộng và quyết tâm, Fernando đã có lúc bị chính các đồng hương của mình quay lưng vì cho rằng anh là người không thực tế, Srilanka chỉ nên là một nước bán trà thô. Nhiều năm liền, lý tưởng xây dựng một thương hiệu riêng cho người trồng trà Srilanka của Fernando như một tiếng nói cô đơn, lạc lõng giữa thời cuộc.
Nuôi ước mơ xây dựng thương hiệu rạng danh cho quê hương, nhưng chặng đường mà ông chủ Dilmah đi qua không hề dễ dàng. Sự cố thủ và cứng rắn của hệ thống cũ đã chống lại mọi nỗ lực của Merrill hết lần này đến lần khác. Cũng trong thời gian này, sự sợ hãi tồi tệ nhất bắt đầu mở ra, trà Sri Lanka bị pha trộn với các loại trà từ các nguồn rẻ hơn và kém chất lượng. Từ đây, những ngày tháng tìm lại danh tiếng cho đặc sản quê hương của Fernando bắt đầu.
Polyad
Những đồi chè nguyên liệu của Dilmah ở Srilanka.
Merrill Fernando đã không bao giờ từ bỏ ước mơ và dự định của mình. Ông đối mặt với mọi khó khăn và từng bước tìm nút thắt tháo gỡ. Cứ thế, năm này sang năm khác, trà gắn liền với mọi chuyển động trong cuộc sống của ông. Cái duyên với trà có từ thời trai trẻ, trải qua đủ mọi công việc làm thuê cho đến khi thành lập được một công ty riêng và tích lũy tiềm lực, phải sau tận 40 năm, tức là khi người đàn ông này 58 tuổi, ước mơ của ông mới thành hiện thực. Thương hiệu trà Dilmah ra đời năm 1988, được ghép từ tên hai con trai của ông là Dilhan và Malik. Đây cũng chính là "đứa con" mà ông đã thai nghén gần suốt cuộc đời mình.
Dilmah ra mắt tại Australia đánh dấu lần đầu tiên trà được trồng, lựa chọn cẩn thận và sản xuất tại Srilanka, đã có thương hiệu, đóng gói và cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng từ nhà sản xuất. Không có môi giới trung gian và doanh thu trở về với Sri Lanka tạo nguồn lợi cho quốc gia kém phát triển và công nghiệp trà ốm yếu của mình.
Giờ đây, Dilmah có mặt tại 105 quốc gia và là một trong 10 thương hiệu trà nổi tiếng chất lượng thế giới. Nhưng điều tuyệt vời nhất đối với Merrill Fernando là Dilmah là một sản phẩm Srilanka hoàn toàn đúng nghĩa: được lựa chọn, sản xuất, đóng gói tại Srilanka, không qua bất kỳ trung gian nào.
Thành công của Dilmah ngày hôm nay, ngoài lòng đam mê, sự kiên định với con đường đã chọn, còn nhờ phương thức kinh doanh trung thực, chất lượng và triết lý kinh doanh của Merrill Fernando. Hiện nay, ngoài việc giúp người trồng trà Sri Lanka có cuộc sống tốt hơn, Dilmah luôn dành 10% lợi nhuận hàng năm cho quỹ từ thiện MJF (đặt theo tên của ông Fernando) để giúp đỡ hơn 10.000 người có cuộc sống khó khăn ở khắp nơi trên thế giới. Mới đây trong chuyến thăm tới Việt Nam, ông Fernando cũng đồng hành cùng với quỹ "Hiểu về trái tim" giúp đỡ chi phí cho ca mổ tim của cháu bé Bùi An Phúc (Thanh Xuân, Hà Nội).
Ở tuổi xấp xỉ 90, mong muốn của "ông vua" trà thế giới là được đồng hành và chia sẻ một phần thành công trong kinh doanh với những người có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều châu lục.

Giá vàng có dấu hiệu là giảm

Mỗi ounce chỉ còn 1.200 USD lúc 8h sáng nay (giờ Hà Nội), tương đương 30,94 triệu đồng một lượng chưa bao gồm thuế, phí.


Trong 23 chuyên gia và nhà đầu tư tham gia khảo sát trên trang tin Kitco, 14 người cho rằng giá vàng tuần này sẽ tăng, 6 nhận định thị trường đi xuống và 3 dự đoán giá đi ngang hoặc quyết định đứng ngoài quan sát. Tuần trước, giá thế giới chốt tại 1.202 USD một ounce. 
Những người nghiêng về xu hướng tăng cho rằng triển vọng tích cực từ đà tăng cuối tuần trước, bất chấp đồng USD mạnh lên, và số hợp đồng tương lai chưa thực hiện còn nhiều sẽ hỗ trợ thị trường.
"Đó là một phiên ấn tượng trên thị trường. Với thông tin Trung Quốc giảm lãi suất, bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, và Ngân hàng trung ương châu Âu tuyên bố sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu lạm phát, tất cả thị trường đều đi lên. S&P 500 lập kỷ lục giữa phiên, USD tăng, vàng cũng tăng. Quan trọng nhất là vàng có vị thế rất vững chắc so với bạc và các loại hàng hóa công nghiệp như đồng hay dầu", Richard Baker - chủ biên Eureka Miner Report nhận xét.
Những người dự đoán giá xuống cho rằng các thông tin tích cực về kinh tế Mỹ sẽ nhắc nhở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục gỡ bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ, trái ngược với ECB. Dan Pavilonis - nhân viên môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures cho biết hiện ECB đã bắt đầu mua lại trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Việc này sẽ khiến euro đi xuống và USD tăng giá.
"Khi FED không còn nới lỏng nữa, lãi suất sẽ tăng. Viễn cảnh này không hề có lợi cho vàng", ông cho biết.
Một số người lại cho rằng giá tuần này sẽ đi ngang, hoặc quyết định đứng ngoài thị trường, do đà tăng của vàng sẽ khó kéo dài. "Giá đã quay về mốc 1.200 USD - ngưỡng quan trọng của năm nay, một phần nhờ các hợp đồng giao tháng 12 đáo hạn hôm nay. Lãi suất thấp tại quốc gia tiêu thụ vàng mạnh như Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu đi lên. Nhưng USD vẫn là vấn đề lớn, nếu đồng tiền này tăng giá, vàng sẽ không thể nhích lên nhiều. Theo tôi, kim loại chỉ là công cụ tuyệt vời khi giao dịch ngắn hạn", Frank Lesh tại FuturePath Trading nhận xét.
Thị trường tuần này cũng sẽ quan tâm tới cuộc bỏ phiếu ngày 30/11 tại Thụy Sĩ. Theo đó, người dân nước này sẽ quyết định liệu có cho phép ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng hay không.